Vietsovpetro chuẩn bị phương án cắt giảm 2.000 nhân sự

Vietsovpetro chuẩn bị phương án cắt giảm 2.000 nhân sự
Ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro - Ảnh: PetroTimes.
NHẬT NAM
“Trong buổi làm việc sơ bộ với phía Nga thì bên bạn yêu cầu trong 5 năm tới Vietsovpetro phải giảm xuống dưới 5.000 người, trong điều kiện hiện nay Vietsovpetro đang có 7.200 nhân viên”.
Thông tin này được ông Từ Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Vietsovpetro (liên doanh Việt - Nga trong lĩnh vực dầu khí lớn nhất và hiệu quả nhất tại Việt Nam, với doanh thu trên 66 tỷ USD tính đến giữa năm 2015) phát biểu trên báo Năng Lượng Mới, cơ quan ngôn luận của Hội Dầu khí Việt Nam, số ra ngày 19/2 vừa qua.

Giảm nhân sự là thách thức

Cụ thể hơn, về vấn đề tái cơ cấu ở Vietsovpetro, ông Nghĩa cho hay Vietsovpetro đã thực hiện trong mấy năm qua, nhưng không ghi thành văn bản. Trong hai năm vừa qua, Vietsovpetro đã cắt giảm 600 chức danh, năm 2015 là 400 và trước đó là 200 chức danh. 

Ông giải thích: “Chúng tôi đã có đề án và đã thực hiện, nhưng không có văn bản vì nếu có văn bản thì sẽ rất ồn ào và khó thực hiện. Việc cắt giảm 600 chức danh trong hai năm qua là nỗ lực rất lớn của Thường vụ Đảng ủy và Ban Giám đốc của Vietsovpetro”. 

“Phía Nga thì không quan trọng việc này. Nếu tập đoàn (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petro Vietnam) yêu cầu thì Vietsovpetro sẽ trình phương án tiếp tục giảm số lượng người lao động”, theo ông Nghĩa.

Về yêu cầu giảm trên 2.000 nhân sự trong 5 năm tới của đối tác Nga, Tổng giám đốc Vietsovpetro đánh giá đây là một thách thức, tuy nhiên Vietsovpetro đã chuẩn bị phương án và sẽ trình Petro Vietnam. 

“Việc này sẽ gây xôn xao dư luận, nhưng trong lúc giá dầu đang giảm thì chúng ta cũng rất nên đưa ra đề án và thực hiện”, ông nói. “Với sự ủng hộ của tập đoàn, tôi tin rằng Vietsovpetro sẽ  hoàn thiện cơ cấu tổ chức, giảm số lượng người lao động, tăng năng lực cạnh tranh để có thể đối phó với sự suy giảm sâu của giá dầu”.

Ông cũng cho biết, trong năm 2015, được sự ủng hộ của Petro Vietnam, Vietsovpetro đã cắt giảm, sáp nhập và giải thể 2 xí nghiệp trong số 17 xí nghiệp. 

Đang rất cần vốn

Một vấn đề khác được vị Tổng giám đốc Vietsovpetro nêu bật là tài chính, điều mà ông nhấn mạnh “hiện nay chúng ta đang khó khăn”.

“Tôi được biết quỹ dầu mỏ đang nằm ở Bộ Tài chính đã lên tới hơn 1 tỷ USD, trong đó của Vietsovpetro là tới hơn 800 triệu USD. Hiện nay, Chính phủ không dùng đến khoản tiền này, trong khi đó chúng ta lại đang rất cần vốn. Tôi ủng hộ ý kiến chúng ta tiếp tục hoạt động thăm dò, tìm kiếm. Tôi nghĩ trong điều kiện giá dầu giảm, giá dịch vụ đang giảm, nên tăng cường hoạt động tìm kiếm, thăm dò”, ông Nghĩa nói.

Đáng chú ý, theo ông Nghĩa, “về việc cân đối dòng tiền trong năm 2016, hiện nay Vietsovpetro đang vướng 75 triệu USD ở… nếu không giải ngân được thì đến hết tháng 4 là Vietsovpetro không còn tiền tiêu…”.

Người đứng đầu Vietsovpetro cũng ủng hộ ý kiến nên đóng cửa một số mỏ, giếng. 

Ông nói: “Về vấn đề này, Vietsovpetro cũng đã trình Hội đồng, nhưng phía ta không xem xét, phía Nga cũng không xem xét. Tôi nghĩ là đối với những giàn, những giếng có chi phí vận hành quá cao, giá hòa vốn quá cao thì cũng nên đóng cửa. Trong điều kiện như thế này thì cũng không nên đặt nặng vấn đề sản lượng, bởi có những tấn dầu chúng ta đã khai thác với giá thành rất cao. Nếu giá dầu tiếp tục xuống thấp nữa thì phải chấp nhận việc đóng giếng, đóng mỏ bởi nếu không càng làm sẽ càng lỗ”.

“Hiện nay, mọi người đều kêu giá dịch vụ dầu khí của chúng ta quá cao, mặc dù tổng giám đốc các đơn vị dịch vụ đều khẳng định giá như vậy là giá cạnh tranh rồi”, ông Nghĩa nói, và cho hay ông “không rõ” Petro Vietnam đã trình Chính phủ những đề xuất về sự hỗ trợ đối với các đơn vị dịch vụ của Petro Vietnam, như miễn không phải đấu thầu. 

Tuy vậy, người đứng đầu Vietsovpetro cũng bày tỏ suy nghĩ là trong điều kiện như thế này, Chính phủ chưa thể đồng ý với đề xuất cho Petro Vietnam sử dụng dịch vụ trong ngành, không qua đấu thầu.